Nhu cầu nhà ở giá rẻ tại TP.HCM luôn tăng hằng năm, trong khi số lượng nhà ở phân khúc này lại có xu hướng giảm dần.

Nhu cầu cao

Đến TP.HCM học từ những năm 2005 với mơ ước sau đó sẽ ở lại làm thầy giáo tại một trường dân lập và lập gia đình, tới nay, dù đã có 2 con, nhưng anh Nguyễn Như Huy vẫn chưa thể mua nhà, dù tổng thu nhập của vợ chồng anh khoảng 20 triệu đồng/tháng. Hiện họ mới tiết kiệm được hơn 400 triệu đồng, nên rất khó thực hiện giấc mơ mua được nhà.

“Nếu mua đất thì phải mất thêm khoản tiền lớn nữa để xây nhà. Nếu mua chung cư thì hiện rất khó mua được nhà với mức dưới 1 tỷ đồng. Hơn nữa, các gói vay thương mại mua nhà của ngân hàng hiện có lãi suất khá cao và phải chứng minh thu nhập của hai vợ chồng”, anh Huy nói.

Bà Phạm Thị Cúc, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết, hiện gia đình 3 thế hệ của bà đang cùng sinh sống trong căn nhà hơn 60m2 được xây dựng từ năm 1990. Vợ chồng bà đã nhiều lần tìm cách mua thêm nhà để cho các con ra ở riêng, nhưng chưa thực hiện được do thu nhập thấp và giá nhà liên tục tăng.

“Năm 2016, tôi có ý định mua một căn chung cư ở một dự án trên đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), nhưng không đủ tiền vì giá nhà lúc đó là 40 triệu đồng/m2. Đến năm 2017, tôi kiếm đủ tiền mua, thì giá nhà đã tăng lên 46 triệu đồng/m2 và giờ là hơn 50 triệu đồng/m2. Với mức tăng giá nhà như vậy, thu nhập cả gia đình tôi chạy theo cũng không kịp”, bà Cúc nói.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu,  cho biết, hiện TP.HCM có khoảng 50.000 cặp vợ chồng trẻ đang cần nhà ở. Cộng thêm mỗi năm, các trường đại học ở TP.HCM đón hàng chục ngàn sinh viên vào học và một nửa số đó ở lại TP.HCM lập nghiệp. Nhu cầu nhà ở giá rẻ theo đó tăng lên hằng năm.

Một khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố cho thấy, có khoảng 81.000 hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại TP.HCM có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Trong các đối tượng khảo sát, thì 65-94% có nhu cầu thuê mua (mua trả góp dài hạn) nhà ở xã hội.

Vắng bóng nhà giá rẻ

Theo số liệu từ Sở Xây dựng TP.HCM, thành phố đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội, với tổng số 44.701 căn hộ, có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn. Nếu dựa trên nhu cầu nói trên, thì hiện thành phố đang thiếu hụt hàng chục ngàn căn nhà.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, TP.HCM không có thêm dự án nhà ở giá rẻ nào để bán cho người dân. Có những dự án được bán từ năm 2016 tới nay, như Dự án Nhà ở xã hội 35 – Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân), do Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM làm chủ đầu tư, theo kế hoạch phải hoàn thành giao nhà cho người dân năm 2018, nhưng vẫn chưa thể hoàn thành.

Dù đã 2 lần chào bán đấu giá cho người dân mua để ở, nhưng 3.790 căn nhà tái định cư tại Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) vẫn không có người ở. Lý do là, với mức giá hơn 2,6 tỷ đồng/căn hộ rộng 70m2, đây không được coi là nhà giá rẻ.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Phú Đông Group cho rằng, dân số tăng khiến nhu cầu ở nhà tại TP.HCM tăng mạnh từ năm 2014 tới nay. Điều này đã kéo theo giá nhà tăng lên, trung bình mỗi năm tăng từ 10 đến 15%. “Hiện tượng tăng giá nhà xuất phát từ thực tế là nhu cầu mua nhà luôn cao, nhưng nguồn cung lại quá ít”, ông Phúc nói.

Tình trạng thiếu nghiêm trọng nhà ở cho người dân trong những năm tới là thực tế có thể nhìn thấy trước tại TP.HCM, nhưng thành phố chưa có giải pháp nào cụ thể, ngoài giải pháp giãn dân về vùng ven, hay quy hoạch liên kết vùng. Song thực tế, các giải pháp này chưa mang lại hiệu quả cụ thể, bởi hạ tầng giao thông kết nối từ nội thành ra vùng ven còn quá kém, luôn trong cảnh tắc đường ở giờ cao điểm; thiếu các tiện ích như trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí ở vùng ven.

“Điểm quan trọng nhất là, các dự án bất động sản ở vùng ven còn hiếm, nên giá nhà bị đẩy lên cao, ở mức 30-35 triệu đồng/m2, trong khi thu nhập bình quân đầu người của TP.HCM chỉ là 10 triệu đồng/tháng”, ông Phúc phân tích.

Quay lại
Messenger
Email
0988130095