Mặc dù thị trường bất động sản khá im ắng chờ COVID-19 qua đi, nhưng nhiều nơi, tin các Tập đoàn đầu tư lớn vẫn “dậy sóng” nguồn cung đất nền.
Tại Bà Rịa Vũng Tàu, thị trường đất nền đã có những sóng ngầm cục bộ ở một số địa phương vùng huyện tiếp tục đang được “thổi nhiệt” bởi tin một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam được chấp thuận nghiên cứu, khảo sát, lập kế hoạch chi tiết đầu tư dự án.
Hàng loạt nhà đầu tư cá nhân theo đó đã được truyền tay nhau văn bản chấp thuận chưa thể xác nhận tính xác thực, và trao đổi rôm rả với nhau cũng như lên kế hoạch đón đầu sóng mới.
Những đợt sóng ngầm đã khiến nhiều địa phương thuộc Bà Rịa Vũng Tàu tăng cung và thiết lập mặt bằng giá ở mức rất cao. Khảo sát chung cho thấy, mặt bằng giá bình quân các dự án đất nền tại cùng khu vực đã tăng từ 25-30%, cá biệt trên 40% so với giá của năm liền trước, có dự án nền giá đã đạt từ 40-50 triệu đồng/m2.
Thị trường đất nền ăn theo tin đầu tư của các thương hiệu lớn như Novaland, Chúa đảo Tuần Châu, Sun Group, FLC, Đức Long Gia Lai, Hưng Phúc Land, Phúc Gia Khang đã tăng mạnh. Năm nay, tỉnh lại hứa hẹn có thêm những tên tuổi lớn hàng đầu khác đến đầu tư càng khiến giá đất thiết lập mức giá mới.
Bà Rịa Vũng Tàu là tỉnh có vị trí địa lý đặc biệt, cửa ngõ giao thương Đông Nam Bộ và đã kết nối hạ tầng giao thông với các tỉnh, đặc biệt rất gần TP.HCM. Tỉnh cũng đang có các dự án đầu tư phát triển và hoàn thiện hạ tầng cảng biển, góp phần tăng sức hút đầu tư, trong đó có bất động sản ở nhiều phân khúc gồm cả nhà ở với các loại hình căn hộ, biệt thự theo hướng phục vụ sinh thái, nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp….
Với nền kinh tế hướng biển của hàng chục tuyến đường huyết mạch cả trên bộ, trên không, dưới biển, thị trường khu vực này sẽ còn nhiều tiềm năng để đón những dòng vốn đầu tư lớn.
Tuy nhiên, việc ăn theo tin các dự án đầu tư để đầu tư đất nền chờ sóng, đặc biệt tại thời điểm hiện nay, theo các chuyên gia là vô cùng rủi ro.
Thứ nhất là các dự án đầu tư nếu có, cũng chỉ đang trong giai đoạn nghiên cứu, khảo sát, chưa thực tế tiến hành. Hoặc có triển khai thời gian cũng sẽ rất lâu. Nhà đầu tư nếu “ôm đất”, có thể kẹt hàng đặc biệt khi thị trường đang chưa xác thực khả năng sẽ có thanh khoản hoặc mãi lực giải quyết ra hàng.
Thứ hai, như phân tích, nhiều địa phương của Bà Rịa – Vũng Tàu đã có mức tăng giá đất cao, chỉ những khu vực vị trí không tốt hoặc kết nối kém mới chào bán giá thấp hơn mặt bằng đã thiết lập. Việc “ôm hàng” giá cao càng khiến nhà đầu tư dễ hứng rủi ro của nguy cơ tin đồn lẫn chôn vốn.
Ngay sau tin các nhà đầu tư chuyền nhau về việc một tập đoàn khảo sát tại địa phương, trên internet đã xuất hiện hẳn website giới thiệu tên dự án đầy đủ. Địa chỉ “chủ đầu tư” trang web trùng với địa chỉ Sở Công Thương TP.HCM – tòa nhà IDC nơi có nhiều văn phòng cùng thuê và cũng khác hẳn so với địa chỉ của “chính chủ” đầu tư, văn bản được chấp thuận khảo sát không công bố chính thức.
Rõ ràng việc chọn ăn theo tin dự án giữa ma trận tin đồn và thông tin đầu tư, thì để sàng lọc nguồn tin cũng như có thời điểm “vào sóng” với nhà đầu tư, chỉ thận trọng là chưa đủ.