Vài năm gần đây, công nghệ đóng vai trò giá trị đối với sự phát triển của ngành bất động sản. Những khái niệm mới như proptech (công nghệ bất động sản) và contech (công nghệ xây dựng) cũng dần trở nên quen thuộc hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng ngành bất động sản vẫn chưa khai thác hết tiềm năng tối đa của công nghệ.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Bất động sản châu Á do PropertyGuru, các chuyên gia, nhà lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp bất động sản trong khu vực Đông Nam Á đã tham gia thảo luận về cách ứng dụng công nghệ trong ngành bất động sản nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng như bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Công nghệ 4.0 mở đường cho thiết kế bền vững
Theo Giáo sư Jason Pomeroy, người sáng lập kiêm Hiệu trưởng Pomeroy Studio và Học viện Pomeroy chuyên đào tạo các chương trình về phát triển bền vững, công nghệ môi trường ở Singapore, ba trụ cột chính của sự bền vững – bao gồm xã hội, kinh tế và môi trường – là không đủ trong thời đại ngày nay. Tại hội nghị, ông chia sẻ rằng văn hóa, không gian và công nghệ cũng quan trọng tương đương nên có thể được coi là ba trụ cột bổ sung của sự bền vững. Cụ thể:
Văn hóa: Toàn cầu hóa với tốc độ nhanh chóng ở các khu vực đô thị lớn đồng nghĩa với sự tập hợp của các nền văn hóa đa dạng. Như vậy, bảo tồn văn hóa chính là chìa khóa của sự bền vững.
Không gian: Trong một thế giới đô thị hóa cao như hiện nay, tương lai là thứ rất khó định hình trừ khi con người có kế hoạch rõ ràng cho nó. Dự kiến đến năm 2050, có tới 75% dân số toàn cầu sẽ sống ở các đô thị. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để bảo tồn không gian cho sự tương tác xã hội, tránh để mỗi người chỉ dính lấy chiếc điện thoại di động của mình và chìm đắm vào cuộc sống ảo?
Công nghệ: Giáo sư Pomeroy cho rằng công nghệ nên được sử dụng một cách khôn ngoan và tiết kiệm. Mỗi công nghệ được sử dụng đều phải phù hợp với tất cả mọi người, từ trẻ em 6 tuổi cho đến những người 70 tuổi.
Trong 3 trụ cột bổ sung này, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của ngành bất động sản, ứng phó với những biến đổi về khí hậu, môi trường trong tương lai. Giáo sư Pomeroy nêu ví dụ về công nghệ thành phố nổi – một thiết kế bền vững được kì vọng sẽ giải quyết vấn đề dân số quá đông và nước biển dâng ở các đô thị lớn.
Giáo sư Pomeroy phân tích: “Toàn bộ 35 siêu đô thị của thế giới đều nằm ở vùng đồng bằng dễ bị ngập nước. Những siêu đô thị với dân số hơn 10 triệu người này là những trụ cột thực sự của nền kinh tế toàn cầu. Thay vì cố gắng thiết kế tập trung vào tính thẩm mỹ, chúng ta nên nghĩ về sự phát triển năng động, linh hoạt hơn. Hãy nghĩ về các cộng đồng và thành phố nổi.”
Đa số các thành phố lớn này đều có những bến tàu đang được sử dụng chưa tương xứng với công năng. Đây có thể trở thành địa điểm hoàn hảo để thiết lập các thành phố nổi. Chẳng hạn, tại Ijburg, Amsterdam, Hà Lan, các bến cảng đã được chuyển đổi thành một khu dân cư nổi. Đó là một hình thức đô thị hóa thay thế có giá cả phải chăng, tiết kiệm năng lượng và ứng phó với các vấn đề gây ra do biến đổi khí hậu như mực nước biển dâng cao.
Công nghệ tạo điều kiện gắn kết xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống
Giáo sư Nadia Magnenat Thalmann, người sáng lập kiêm Giám đốc phòng nghiên cứu MIRALab tại Đại học Geneva (Thụy Sĩ) chia sẻ đội ngũ của bà đã phát triển các mẫu robot xã hội phục vụ các lợi ích thương mại cũng như cá nhân. Một trong những robot này được gọi là robot xã hội Nadine, hiện đã hoạt động được vài tháng với tư cách là đại lý khách hàng tại công ty bảo hiểm AIA Singapore.
Được biết, robot Nadine có thể hỗ trợ các nhân viên công ty trong giờ cao điểm, xử lý các nhiệm vụ cơ bản và trả lời các câu hỏi đơn giản của khách hàng để các nhân viên đại lý khách hàng có thời gian tập trung vào các nhiệm vụ phức tạp hơn.
Ngoài môi trường thương mại, Nadine có thể phục vụ như một người bạn đồng hành lý tưởng với người già. Robot này được thiết kế với các tính năng mô phỏng người thật, có khả năng hiểu được cảm xúc, cử chỉ của người già, xử lý các tình huống cần hỗ trợ, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.
Công nghệ đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên
Ông Stefan Rafael, Giám đốc Công nghệ tại One To One Display – một trung tâm trình chiếu phối cảnh các thiết kế xây dựng – cho biết thông qua công nghệ, trung tâm này có thể cải tiến giai đoạn lập kế hoạch phát triển dự án bất động sản, giúp chủ đầu tư giảm lượng khí thải carbon trong quá trình này. Nhờ công nghệ, các bên tham gia dự án có thể trải nghiệm thiết kế, không gian nội và ngoại thất ngay từ khi dự án chưa được thi công, loại bỏ nhu cầu xây dựng phòng trưng hay nhà mẫu, từ đó giảm thiểu các vật liệu bị lãng phí.
Ngành bất động sản có thể đã chấp nhận vai trò, giá trị của công nghệ trong việc tối ưu hóa hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, nâng cao chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng. Tuy nhiên, công nghệ vẫn chưa được sử dụng hết tiềm năng của nó. Hy vọng rằng với những ý tưởng và sáng tạo được chia sẻ bởi các chuyên gia và nhà lãnh đạo, chúng ta sẽ sớm được thấy các giải pháp công nghệ vượt trội, giải quyết được những vấn đề lớn hơn của ngành bất động sản trong tương lai.