Với công văn số 563 gửi các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu hạn chế tín dụng với lĩnh vực bất động sản (BĐS), xây dựng, chứng khoán.
Hạn chế phát sinh nợ xấu
Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng, nâng cao hiệu quả xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là điều kiện vay vốn để không phát sinh rủi ro; giám sát chặt việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng để đầu tư, kinh doanh BĐS, chứng khoán.
Thống đốc NHNN nhấn mạnh: “Việc mở rộng tín dụng của các ngân hàng phải đi đôi với kiểm soát chất lượng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh”.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, ông Nguyễn Quốc Hùng lý giải về việc đưa ra thông điệp trên ngay từ đầu năm như sau: Trong năm 2017, tín dụng với những lĩnh vực có rủi ro như BĐS, chứng khoán… đã được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, để giảm thiểu nợ xấu, NHNN vẫn yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát, kể cả tín dụng vào lĩnh vực tiêu dùng.
Chung quan điểm, nhiều ý kiến cũng cho rằng trong thời gian gần đây, tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng tăng trưởng rất nóng. Đáng nói, để lách quy định hạn chế cho vay BĐS, các ngân hàng đã đưa khoản cho vay mua nhà, sửa chữa nhà ở vào cho vay tiêu dùng.
Cụ thể, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, tín dụng tiêu dùng trong năm 2017 cao gấp 3-4 lần mức tăng trưởng tín dụng bình quân cả nước (dư nợ cho vay tiêu dùng đang xấp xỉ 1,17 triệu tỷ đồng). Đặc biệt, trong tín dụng tiêu dùng, tín dụng BĐS chiếm một phần rất lớn. Tín dụng mua, sửa chữa nhà ở chiếm gần 53% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng và có mức tăng tới 76,5%.
Người mua nhà gặp khó khăn
Là một nhà đầu tư địa ốc, ông Nguyễn Hữu Khánh (quận Phú Nhuận, Tp.HCM) lo lắng rằng người tiêu dùng sẽ gặp khó khi muốn vay vốn đầu tư nếu siết vốn vào lĩnh vực BĐS. Nguyên nhân là do đây là kênh đầu tư rất nhạy cảm với các biến động về chính sách tín dụng. Chủ đầu tư và người mua nhà đều phải chịu ảnh hưởng trực tiếp trước mọi động thái thay đổi.
Ông Khánh dự báo: “Nhiều khả năng các chủ đầu tư tăng giá bán nhà, đất trong thời gian tới, nhất là với phân khúc căn hộ cao cấp và hạng sang”.
Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, Bà Nguyễn Thị Thanh Hương cũng nhận định, tính thanh khoản của các dự án địa ốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi siết tín dụng. Để ứng phó với những biến động từ chính sách của ngân hàng về việc cho vay BĐS, nhiều chủ đầu tư đã có những chính sách để khách hàng có ít vốn được mua nhà ở ngay, giảm khó khăn trước rào cản về vốn.
Bà Hương dẫn chứng: “Chẳng hạn như phương án cho người mua căn hộ đóng 30% giá trị hợp đồng. Thậm chí có dự án còn áp dụng các phương án thanh toán linh hoạt, giãn thời gian thanh toán lên đến 20 tháng đối với các sản phẩm nhà liền thổ”.
“Việc siết vốn vào lĩnh vực tiêu dùng, BĐS, chứng khoán sẽ giúp hệ thống tài chính ngân hàng phát triển bền vững. Riêng đối với lĩnh vực địa ốc, các ngân hàng cũng cần lựa chọn dự án khả thi để cho vay, hạn chế việc cho vay ồ ạt để nợ xấu quay trở lại”, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho biết.
Dù gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng việc siết cho vay BĐS sẽ tốt cho ngân hàng và thị trường trong cả trung và dài hạn. Bởi trong thời gian qua, thị trường chứng khoán, BĐS tăng trưởng nóng đã thu hút nguồn vốn rất lớn, bơm dần bong bóng tài chính. Đây là có thể gây nguy hiểm cho nền kinh tế.