Dịch Covid-19 chính là nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường bất động sản đang trải qua thời kì khó khăn nhất trong 5 năm trở lại đây. Hàng trăm sàn môi giới đã phải đóng cửa. Nhiều môi giới thất nghiệp hoặc buộc phải bỏ nghề, tiếp tục vật lộn với công cuộc mưu sinh với nghề khác trong thời đại dịch.

Sau những động thái kiểm duyệt gắt gao của cơ quan nhà nước về cấp phép dự án và dòng vốn tín dụng năm 2019 thì đến năm 2020, dịch Covid 19 tiếp tục “bồi” thêm khó khăn cho thị trường bất động sản Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đến hết năm 2019, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản là khoảng 1.000 sàn. Thế nhưng sự bùng phát của dịch bệnh đầu năm 2020 khiến khoảng 1/3 số sàn phải đóng cửa. Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường đang vô cùng trầm lắng so với cùng kì hàng năm. Lo ngại dịch bệnh, các chủ đầu tư hạn chế tập trung đông người, không tung hàng, không tổ chức mở bán. Do đó, nhiều sàn rơi vào tình cảnh không có hàng để bán.

Cùng quan điểm trên, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Địa ốc Đất Xanh cho biết, thị trường bất động sản đang phải đối mặt với 2 khó khăn. Khó khăn thứ nhất liên quan đến việc rà soát pháp lý dự án suốt năm 2019. Khó khăn thứ hai là sự đảo lộn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Thực tế này khiến cả 2 dòng tiền từ người mua nhà ở thực và nhà đầu tư đều giảm sút.

Anh Lê Chính Nghĩa, nhân viên kinh doanh một sàn giao dịch bất động sản ở Hà Đông chính thức thất nghiệp từ sau Tết. Năm ngoái sàn anh đã hoạt động khó khăn, chủ yếu làm F2 cho một số sàn lớn hơn. Sang năm 2020, công ty chính thức giải thể. Một tuần sau khi công ty đóng cửa, nhờ quen biết, anh về làm quản lý 1 nhà hàng trong chuỗi hơn chục nhà hàng của một công ty lĩnh vực F&B. Thế nhưng dịch bệnh khiến nhà hàng của anh kinh doanh cũng rất khó khăn. Công ty có tầm chục cơ sở thì một nửa đóng cửa trong suốt tháng 2. Đầu tháng 3, đồng loạt các cơ sở mở lại sau 22 ngày Việt Nam không có thêm bệnh nhân nhiễm mới, anh Nghĩa đã khấp khởi mừng thầm. Thế nhưng một tuần sau đó, dịch bệnh bùng phát, tất cả các nhà hàng đều phải đóng cửa tiếp. Anh Nghĩa lại thất nghiệp trong nửa tháng qua. Anh tính quay về nghề cũ là môi giới bất động sản nhưng trước tình hình phần lớn các sàn đều thắt chặt chi tiêu, tuyển dụng, anh càng cảm thấy cơ hội công việc mong manh.

Sàn của chị Nguyễn Minh Phương vốn là một sàn nhỏ có khoảng 30 nhân viên cũng đã ngừng hoạt động vào tháng 2 vừa qua do sự khó khăn của thị trường. Chị Phương mất việc đúng lúc hàng loạt doanh nghiệp khác cũng đang lao đao vì dịch bệnh nên hành trình tìm việc mới của chị càng trở nên thách thức. Số ít đơn vị gọi chị đi phỏng vấn thời điểm này đều trả lương thấp so với mặt bằng chung trước đó. Chị Phương ở nhà gần một tháng thì quyết định đi làm giúp việc.

Trong khi đó, Vân Anh, nhân viên kinh doanh một sàn giao dịch tại Cầu Giấy chia sẻ, dù sàn bên cô vẫn đang tiếp tục phân phối sản phẩm nhưng hai tháng nay đã không còn trả lương cứng và không còn hỗ trợ tiền chạy marketing. Không có lương cứng và dịch bệnh khiến hơn tháng nay, sàn cô làm không phát sinh giao dịch. Nếu tình trạng này còn kéo dài, Vân Anh tính đến việc tạm bỏ nghề và về quê nghỉ ngơi một thời gian.

Trên thực tế, khi hàng loạt sàn giao dịch phá sản trong bối cảnh kinh tế khó khăn vì đại dịch, ngoài số ít môi giới bất động sản tìm được công việc ưng ý sau khi thất nghiệp, thì một bộ phận không nhỏ đều đang lao đao, mưu sinh với đủ công việc khác từ shipper, bán hàng… Tất cả đều mong đại dịch sớm qua để có thể trở về với nhịp sống, nhịp công việc bình thường trước đây.

Quay lại
Messenger
Email
0988130095