Trong vòng chưa đầy một năm, giá đất quanh dự án sân bay Long Thành tăng đã kéo theo cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp cò đất tại đây tăng 3-4 lần.
Nhiều doanh nghiệp sở hữu dự án lớn xung quanh dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng đã trở thành mục tiêu của giới đầu tư.
Công ty chứng khoán FPT thống kê, lấy sân bay Long Thành là trung tâm, trong bán kính 30km có 15 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán. Và chỉ trong 1 năm qua, giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp đã tăng hơn 3 lần.
Ví dụ như, Tổng công ty đầu tư và phát triển xây dựng (DIG) sở hữu 2 dự án là khu đô thị Hiệp Phước, khu đô thị Long Tân rộng 22ha, gần 500ha đất nền và dự án khu đô thị sinh thái Đại Phước quy mô 465ha với số vốn hơn 7.500 tỷ đồng.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, khả năng DIG thu về lợi nhuận cao từ quỹ đất sạch với giá vốn thấp, chủ yếu là thông qua việc bàn giao lại các dự án kinh doanh trong giai đoạn 2015-2016 và chuyển nhượng vốn tại dự án Đại Phước.
Giá cổ phiếu DIG trong hai năm 2014-2015 chỉ ở mức 7.000-8.000 đồng. Trong khi đó, sang năm 2017, giá cổ phiếu đã tăng gấp 3 lần, lên mức 21.000 đồng, dù kết quả kinh doanh trong quý III không được như kỳ vọng. Hết tháng 9, lợi nhuận của DIG chỉ đạt 33,8 tỷ đồng, giảm 15%, doanh thu thuần đạt 286 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ.
DIG cũng đã thoái vốn thành công khi không cần thông qua đấu giá mà chỉ giao dịch trực tiếp trên sàn chứng khoán. Không chỉ sở hữu đất ở Long Thành, DIG còn có nhiều dự án lớn khác như khu đô thị Nam Vĩnh Yên, Trung tâm Chí Linh – Vũng Tàu…
Cũng thuộc Bộ Xây dựng như DIG, Công ty CP Licogi 16 (LCG) cũng có giá cổ phiếu tăng 3 lần trong năm 2017, lên mức gần 11.000 đồng. Trong khi đó, mức giá trong năm 2016 chỉ quanh mốc 4.000 đồng. Giá tăng là do nhà đầu tư kỳ vọng lớn vào sự hồi sinh khi LCG dự kiến sẽ thoái vốn tại nhiều dự án và cơ cấu khoản đầu tư. LCG sẽ chuyển nhượng dự án Nam An và Phú Hội, sau đó dùng dòng tiền thu về để đền bù và GPMB 100ha dự án Điền Phước gần Long Thành.
Báo cáo của BSC cho biết: “LCG đang tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng dự án trong bối cảnh ấm lên của thị trường đất nền tại quận 9 đang lan tới khu vực dự án Điền Phước, nối quận 9 qua cầu Long Thành”.
Cũng có giá cổ phiếu tăng mạnh như LCG và DIG là Công ty CP Phát triển đô thị công nghiệp số 2 (D2D) và Công ty CP Đệ Tam (DTA). D2D có 2 khu dân cư hơn 73ha và hơn 300ha đất tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2. Trong khi đó, DTA sở hữu dự án Khu đô thị DETACO Nhơn Trạch diện tích hơn 47ha. Chỉ trong một năm, giá DTA đã tăng hơn 4 lần và là cổ phiếu tăng trưởng “nhanh hơn giá đất”.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp địa ốc niêm yết có đất quanh Long Thành như Hoàng Quân, Sodanezi Long Thành, Nam Long, Đất Xanh, Khang Điền, Ninh Vân… cũng có giá cổ phiếu tăng trưởng đáng kể.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án sân bay Long Thành từ năm 2005. Và đến năm 2011, UBND Tp.HCM đã cơ bản thống nhất hồ sơ quy hoạch tổng thể. Đến ngày 25/06/2015, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư dự án lại huyện Long Thành (Đồng Nai).
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án. Diện tích thu hồi là 5.400ha. Vốn đầu tư để di dời, tái định cư là gần 23.000 tỷ đồng. Thông tin này khiến giá đất quanh Long Thành càng thêm nóng. Thậm chí, UBND huyện Long Thành đã phải yêu cầu cắm biển khuyến cáo người dân không thực hiện giao dịch chuyển nhượng, mua bán đất nền tại khu vực này. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ mới đây cũng đã có văn bản về việc tăng cường quản lý đất đai quanh sân bay Long Thành.
Thông tin cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện ngay những biện pháp phòng, chống, xử lý, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, mua, bán, chuyển nhượng, xây dựng nhà, đất quanh dự án sai quy định, lợi dụng để trục lợi.