Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai đã phát thông báo tìm nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án nhà ở xã hội tại thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom.
Theo quy hoạch, dự án nhà ở xã hội này có tổng vốn đầu tư 733 tỷ đồng, quy mô dân số khoảng 3.500 – 3.850 người. Khu đất xây dựng chung cư nhà ở xã hội có diện tích khoảng 3,5ha.
Hiện trạng khu đất hiện nay là đất trống, xung quanh đã đầu tư hoàn thiện hạ tầng theo quy hoạch được duyệt, mật độ xây dựng 30 – 50%; số tầng cao 5 – 6 tầng; số căn hộ khoảng 956 – 963 căn.
Nhà đầu tư phải tuân thủ, bố trí đảm bảo diện tích chỗ đậu xe và xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm và tiến độ thực hiện dự án dự kiến trong 48 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu hoặc chấp thuận nhà đầu tư.
Cụ thể, 12 tháng đầu sẽ hoàn thành các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng; triển khai thi công các hạng mục công trình và các công trình phụ trợ trong 30 tháng tiếp theo và nghiệm thu, kinh doanh đưa vào sử dụng trong 6 tháng cuối.
Đối với trường hợp chậm tiến độ so với thời gian trên, nhà đầu tư trúng thầu phải có hồ sơ đề nghị điều chỉnh tiến độ theo quy định của Luật Đầu tư gửi cơ quan có chức năng xem xét. Tuy nhiên, tiến độ đầu tư xây dựng chung cư đầu tiên phải cơ bản đảm bảo theo thời gian nêu trên.
Dự án nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định trên địa bàn huyện Trảng Bom.
Vào hồi tháng 3, trình bày báo cáo về tình hình phát triển nhà ở xã hội của tỉnh, ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, thực hiện mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành khoảng 10.000 căn nhà, đến nay các địa phương đã trình hồ sơ đề xuất hồ sơ chủ trương đầu tư 12 dự án, quy mô khoảng 20.700 căn hộ.
Trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 5 dự án, quy mô khoảng 9.000 căn hộ tại thành phố Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu.
Theo kế hoạch, năm 2024 tỉnh khởi công 5 dự án đã có chủ trương đầu tư và hoàn thành 715 căn nhà ở xã hội. Năm 2025 sẽ khởi công 7 dự án còn lại và hoàn thành 979 căn nhà.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Xây dựng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại có 5 địa phương chưa trình hồ sơ chủ trương đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, có 2 dự án đã có quyết định duyệt yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư, nhưng ngày 27/2/2024 vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2024/NĐ-CP trong đó yêu cầu tên gọi mới là hồ sơ mời quan tâm, hiện chưa có hướng dẫn và biểu mẫu loại hồ sơ này. Ngoài ra, thủ tục điều chỉnh chủ trương đối với các dự án nhà ở thương mại nay chủ đầu tư muốn tự làm nhà ở xã hội tại quỹ đất 20% còn chậm.
Về phát triển nhà ở xã hội, ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay tỉnh đã có hơn 1 nghìn ha đất làm nhà ở xã hội, đã có 12 dự án đề xuất chủ trương với số lượng căn hộ gấp đôi mục tiêu 10 nghìn căn nhà. Tuy nhiên, thủ tục pháp lý về đấu thầu lựa chọn nhà đầu, thẩm định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư chậm ảnh hưởng tiến độ triển khai. Trách nhiệm này thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư. Để có thể đạt được mục tiêu đề ra, ông Võ Tấn Đức yêu cầu 6 địa phương đã có dự án đề xuất tích cực làm việc với các sở, ngành để hoàn tất thủ tục mời thầu, khởi công dự án. 5 địa phương còn lại chưa có hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư phải khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục trình thẩm định chủ trương đầu tư.
Cùng với đó, Sở Kế hoạch và đầu tư thẩm định hồ sơ từ các địa phương đề xuất đảm bảo đúng thời gian theo quy trình rút gọn tỉnh đã ban hành, đồng thời hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư để triển khai dự án nhà ở xã hội từ quỹ đất 20%. Các địa phương rà soát, thu hồi quỹ đất 20% từ các dự án nhà ở thương mại để lập hồ sơ chủ trương đầu tư.
Nguồn: Tạp chí thương gia