Đại dich Covid-19 đã khiến không chỉ nền kinh tế Việt Nam mà cả thế giới biến chuyển mạnh. Trong tình hình khó khăn, bất động sản từ kênh đầu tư “vua” đang mất dần lợi thế, nhường sân chơi cho các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.

Giai đoạn Covid mới bùng nổ cho thấy, dù thị trường bắt đầu rơi vào trạng thái khó khăn nhưng bất động sản vẫn đứng đầu trong các lựa chọn về đầu tư, vẫn đứng đầu so với các kênh đầu tư khác như gửi tiền tiết kiệm (24%), vàng (17%), chứng khoán (12%). Nhưng đến quý 3/2020, khi đại dịch Covid-19 tái phát, nền kinh tế tiếp tục đối mặt nhiều thách thức, bất động sản đã mất ngôi vương trong mảng đầu tư. Báo cáo cho thấy chứng khoán và vàng đã xác lập kỉ lục mới về mối quan tâm đầu tư. Đây cũng là 2 kênh có biến động lớn, lập đỉnh và hạ đỉnh liên tục khiến không ít nhà đầu tư thấp thỏm, chịu thiệt hại nặng nề.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn chi nhánh TP.HCM cho rằng, bất động sản sẽ đứng sau chứng khoán và vàng trong thứ tự các kênh đầu tư ưu tiên của dòng tiền. Và chiếm ưu thế nhiều nhất vẫn là chứng khoán. Đây sẽ là kênh đầu tư dẫn đầu thị trường thời điểm cuối năm.

Tại một buổi toạ đàm “Sự vươn lên của thị trường Chứng khoán Việt Nam hậu Covid-19” do Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức, các chuyên gia cũng chung nhận định trên trước sự phục hồi tốt và hứa hẹn tiềm năng tươi sáng của thị trường trong năm 2021.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phòng phát triển năng lực đầu tư CTCP chứng khoán VPS nhận định “Hiện khối ngân hàng đang thực hiện những chính sách tiền tệ chưa từng có trong tiền lệ. Việt Nam đã thực hiện giảm lãi suất điều hành lần 3 khiến dòng tiền rẻ đang dư thừa tiếp tục tìm kiếm các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn. Do đó, những kênh đầu tư như chứng khoán được đánh giá là có tương lai tươi sáng trong năm 2021.”

Song trên thực tế, việc Ngân hàng Nhà nước đang duy trì lãi suất thấp khiến dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán ngày càng mạnh. Theo thống kê, số lượng nhà đầu tư cá nhân mở mới từ quý 2 đến nay đã tăng khá mạnh. Số tiền giải ngân lớn và được quay vòng trong thị trường thì VN-Index có thể sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới. Các nhóm cổ phiếu chủ chốt như ngân hàng, thép, tiêu dùng,… đều tăng tốt. Đồng quan điểm, ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết “Hiện tại tỉ lệ tổng giá trị đầu tư nước ngoài trên tổng giá trị vốn hoá của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ thấp hơn 2 nước Singapore và Thái Lan. Một điểm tích cực khác là Việt Nam nằm trong danh sách chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE và MSCI. Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, thanh khoản trên thị trường cơ sở tăng 2,7%, tăng 90% giao dịch trên thị trường phái sinh. Đây là mức thanh khoản thị trường tốt hơn cả kỳ vọng.”

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết “Năm 2020 là một năm đầy biến động khi thị trường tăng, giảm mạnh đặc biệt trong quý 1 do ảnh hưởng của Coivd-19. VN-Index giảm 33% trong quý 1/2020. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự phục hồi khá tốt cả về chỉ số, quy mô và nội lực. Đây là sự phục hồi tốt hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Chứng khoán Việt Nam đã lấy lại những gì đã mất từ đầu năm. Vốn hóa thị trường đạt 71,3% GDP. ”

Nhận định về kênh đầu tư chứng khoán trong năm 2021, ông Bùi Hoàng Hải cho rằng “2021 là năm thị trường chứng khoán sẽ có sự phân mảng tốt hơn với nhiều sản phẩm tốt ra mắt thị trường. Các công ty chứng khoán sẽ mở rộng dịch vụ, phối hợp với ngân hàng cho vay, chào bán sản phẩm tài chính…” Trong vài năm tới, thị trường chứng khoán đẩy mạnh xây dựng cơ chế phòng ngừa và ứng phó rủi ro; cải tạo cơ sở pháp lý cho toàn thị trường có giải pháp chính thức ứng xử ứng phó khi thị trường biến động mạnh ví dụ như Covid. Ngoài ra, 2021 là năm dự kiến phát triển cơ sở hạ tầng cho thị trường thông qua gói thầu hệ thống công nghệ đồng bộ cho toàn thị trường, giúp hiện đại hoá thị trường.

Quay lại
Messenger
Email
0988130095