Mặc kệ những khó khăn của đại dịch, giá nhà trên thị trường sơ cấp vẫn liên tục tăng giá. Rất nhiều người mua nhà có nhu cầu ở thực đã săn tìm mua nhà trên thị trường thứ cấp bởi giá rẻ hơn hẳn so với nguồn hàng mới được tung ra.
Với việc siết chặt việc cấp phép dự án của cơ quan chức năng và tín dụng bị kiểm soát khiến các thị trường nhà ở trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM rất ít dự án mới, nguồn hàng mới. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá nhà bị đẩy lên cao. Số liệu của Hội Môi giới Bất động sản cho biết tại thị trường Hà Nội trong khoảng thời gian 2-3 năm trở lại đây, bình quân nguồn cung mới ra thị trường chỉ đạt khoảng hơn 2.000 sản phẩm/quý. Đây là con số quá thấp cho một thành phố có gần mười triệu dân. Cũng theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trước, trong và sau dịch bệnh, giá bán căn hộ chung cư tầm trung và cao cấp gần như không có thay đổi. Thậm chí, có một số dự án thuộc phân khúc bình dân hiện tại giá đã được đẩy lên xấp xỉ phân khúc trung cấp.
Đáng quan tâm, tại nhiều dự án vùng ven, có vị trí xa trung tâm, mặt bằng giá tiếp tục thiết lập mức cao choáng ngợp. Mới đây nhất, theo đại diện của Savills, thị trường tiếp tục ghi nhận một số dự án bất động sản nhà ở tại vùng ven đang có giá dự kiến khoảng 50-60 triệu đồng/m2 cho chung cư và 200-300 triệu đồng/m2 cho shophouse. Đây là lần đầu tiên các khu vực vùng ven Hà Nội có mức giá cao so với các dự án nằm trong khu vực giữa vành đai 2 và vành đai 3.
Trước tình hình giá nhà tăng mạnh trên thị trường sơ cấp, người mua đã tìm nhiều cách tiếp cận nguồn hàng thứ cấp. Chị Thùy Linh, nhân viên văn phòng tại Đống Đa cho biết: “Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chị và chồng nghĩ sẽ chọn thời điểm này để mua vì cho rằng giá nhà sẽ giảm. Thế nhưng, bất chấp những khó khăn về kinh tế do đại dịch gây ra, giá nhà vẫn neo ở mức cao. Những dự án trong tầm ngắm của gia đình chị vẫn tăng đều khoảng 5% mỗi đợt mở bán, không hề có dấu hiệu giá quay đầu”.
Theo chị Linh, 3 năm trước, cùng 1 khu vực thuộc quận Hà Đông, giá 1 căn 2 ngủ 2 vệ sinh chỉ tầm khoảng 1,5-1,7 tỷ thì nay cùng khu vực đó giá đều trên 2 tỷ. Và dù trải qua 2 đợt dịch Covid nhưng giá ở các dự án mở bán mới vẫn duy trì ở mức cao. Với tài chính hiện có, vợ chồng chị Linh quyết định tìm mua chung cư thuộc các dự án đã bàn giao trong khoảng 5 năm đổ lại. Trong khi các dự án mới đua nhau tăng giá thì chung cư cũ phần lớn giảm nhẹ hoặc ngang giá. Chị Linh cho biết: “Với những gia đình tài chính eo hẹp như gia đình tôi thì chung cư cũ là một giải pháp vì mua được mức giá mềm trong khi các dự án mới đều đang có giá quá cao”.
Anh Phạm Văn Hiên (nhân viên giao hàng tại Hà Nội) cũng mới mua một căn chung cư cũ tại Hoài Đức sau hơn 1 năm tìm mua nhà. Hơn 1 năm đó, vợ chồng anh chị tìm mua khắp khu vực ven Hà Nội căn hộ có mức giá dưới 1,3 tỷ đồng – mức giá mà hai vợ chồng đã vay ngân hàng đến 60%. Thế nhưng khoảng giá này đã “biến mất” tại các dự án mới đang ra hàng. Tại các dự án mới, mức giá liên tục được đẩy lên cao. Anh Hiên đã tính bỏ cuộc, tích lũy thêm thì được giới thiệu 1 căn hộ trên thị trường thứ cấp ở Hoài Đức có giá bán gần 1,3 tỷ đồng. Thấy mức giá vừa túi tiền, anh quyết định xuống tiền mua dù căn hộ rất xa trung tâm. Anh Hiên cho biết cái lợi của việc chọn mua chung cư cũ ngoài lý do mức giá rẻ thì có thể yên tâm về pháp lý dự án cũng như biết được quá trình quản lý, vận hành của dự án đã diễn ra như thế nào.
Chị Hải Yến, môi giới một đại dự án phía Tây Hà Nội, cho biết dự án chị đang bán có quy mô hàng chục tòa nhà và hàng mới liên tục được tung ra thị trường. Thế nhưng rất nhiều khách của chị từ chối mua hàng mới. Nguyên do là hàng cũ của chính dự án này bán từ trước đó 1, 2 năm và đã được bàn giao đang cắt lỗ khá nhiều trên thị trường. Ngịch lý là trong khi hàng mới tiếp tục tăng giá theo tiến độ thì nguồn hàng cũ lại ko “ăn” theo được mức giá mới mà đua nhau cắt lỗ để thanh khoản do nguồn cung đại dự án quá lớn. Theo chị Yến, giá nhà liên tục tăng cao khiến một bộ phận không nhỏ người dân đã quay ra tìm mua căn hộ cũ thay vì căn hộ mới và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.