Mặc dù là phân khúc giàu tiềm năng và được dự báo trở thanh làn sóng đầu tư mạnh trong tương lai, BĐS biển vẫn không thể bứt phá do các vướng mắc về luật và vận hành.

Sân chơi lớn ngày càng sôi động

Tại Hội thảo “Sức hút đô thị Biển” do Báo Đầu tư tổ chức, diễn ra vào sáng 14/10, ông Phạm Lâm, TGĐ DKRA Việt Nam nhận định, năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa diễn ra, thị trường BĐS đã xuất hiện một cơn sốt đầu tư BĐS biển. Dù dịch bệnh có tạo ra ảnh hưởng lớn, nhưng đến thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng cho nguồn cung nghỉ dưỡng tại nhiều tỉnh, thành phố có biển.

BĐS biển những năm qua đã phát triển rất mạnh với đa dạng các loại hình sản phẩm và quy mô dự án ngày càng lớn. Chỉ thống kê riêng năm 2019, Việt Nam đã đón hơn 18 triệu lượt du khách quốc tế và khoảng 85 triệu lượt khách nội địa; du lịch đóng góp khoảng 4 triệu việc làm và 32,8 tỷ USD cho nền kinh tế quốc dân, tương đương 9,2% GDP.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, mục tiêu 2030 và tầm nhìn 2045 thì Việt Nam sẽ trở thành quốc gia biển mạnh, đóng góp 10% GDP. Hiện tại Việt Nam có 19 Khu kinh tế biển với quy mô 47-48% GDP của cả nước. Trong đó, GDP của kinh tế thuần biển chiếm 20-22% tổng GDP cả nước. Đóng góp các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm 98% kinh tế biển. Dù từ tháng 3/2020 đến nay, toàn bộ hoạt động du lịch quốc tế bị “tắc nghẽn” nhưng ngành du lịch Việt Nam sẽ phục hồi nhanh hơn các quốc gia khác nhờ vào yếu tố an toàn trong Covid-19, rút ngắn khoảng cách với các nguồn du khách lớn và đà tăng trưởng tốt trong quá khứ.

“Việt Nam có cơ sở để tin vào tăng trưởng BĐS biển là sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu. Tầng lớp trung lưu Việt Nam có khả năng đuổi kịp các nước mới công nghiệp hóa. Cụ thể, Việt Nam có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh thứ 2 thế giới trong thập kỷ qua”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Thực tế, những tháng cuối năm 2020, chúng ta được chứng kiến nhiều dự án BĐS biển, đô thị biển với quy mô hàng trăm, hàng ngàn ha được công bố dồn dập như thời gian qua. Nhiều dự án, nhiều công trường chưa nghỉ một ngày thi công dù trong cao điểm dịch Covid-19. Điều này vừa khẳng định sức sống tiềm ẩn của các chủ đầu tư, vừa cho thấy tầm nhìn của các doanh nghiệp trong việc chuẩn bị một tương lai bùng nổ các sản phẩm đô thị biển.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotel châu Á-Thái Bình Dương cho biết, tuy lượng khách quốc tế của Việt Nam thấp hơn Thái Lan nhưng Việt Nam có thế mạnh lớn là bờ biển dài hơn và đẹp hơn. Điều thị trường Việt Nam cần là nhiều hơn sự đa dạng và chất lượng sản phẩm. Việt Nam vẫn là địa điểm du lịch mới nhưng khách thường đến chỉ một lần. Vì vậy, cần có kết nối tốt hơn, nhiều hạng mục giải trí hơn để thu hút.

BĐS biển cần làm gì để đột phá?

Theo ông Arnaud Ginolin, TGĐ Boston Consulting Group, để thị trường BĐS biển Việt Nam phát triển đột phá thì cần giải được 4 câu hỏi sau:

Thứ nhất: Tầm nhìn nào sẽ thích hợp cho việc phát triển các đô thị ven biển?

Thứ hai: Làm thế nào để đảm bảo sự phát triển đồng bộ và toàn diện của các vùng ven biển Việt Nam? Làm sao để quy hoạch tổng thể tránh cạnh tranh nội bộ, khai thác sử dụng tài nguyên ở mức tối ưu? Bên cạnh đó phải vừa đảm bảo cơ chế vận hành đủ sự nhanh nhạy và sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Thứ ba: Làm thế nào để chuyển giao các kết quả xã hội, môi trường và kinh tế?

Thứ tư: Phải làm sao để đảm bảo sự liên kết trong Chính phủ? Sự liên kết chính sách đảm bảo các lĩnh vực hỗ trợ các mục tiêu chính sách của Chính phủ và kết quả lập kế hoạch.

Những vấn đề liên quan đến pháp lý quản lý lĩnh vực đô thị biển cũng cần phải giải quyết để khơi thông thị trường. Hiện nay, nhiều loại hình BĐS nghỉ dưỡng vẫn chưa có quy định rõ ràng về pháp lý,… Đồng thời, năng lực triển khai dự án của một vài chủ đầu tư mới chưa đủ trấn an khách mua.

Ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà ở và thị trường BĐS Bộ Xây dựng nhận định, để làm một dự án phát triển BĐS nghỉ dưỡng thì cần phải thông qua nhiều cơ quan khác nhau. Hiện luật vẫn chưa theo kịp sự chuyển động của thị trường bởi chiến lược phát triển của cơ quan nhà nước không phải dễ dàng. Để tháo gỡ thì cần phải có thời gian và phải xem xét qua nhiều góc độ khác nhau.

“Cách doanh nghiệp làm một dự án mất khoảng 5-6 năm, nhưng để ra một sản phẩm Luật hay Nghị định, cơ quan chức năng cũng phải bỏ ra khoảng thời gian tương tự. Nói ra điều này để các doanh nghiệp hiểu và thông cảm cho cơ quan quản lý nhà nước”, ông Phân trần tình.

Bàn về yếu tố chất lượng sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cao cấp tài chính, Tập đoàn Novaland cho rằng “Những năm qua các chủ đầu tư đã chuyển hóa hoạt động bằng việc làm dự án quy mô lớn và bài bản hơn. Theo đó, trong tương lai, những chủ đầu tư nào lớn, làm bài bản thì sẽ phát triển. Còn những chủ đầu tư nhỏ, đầu tư theo phong trào thì chắc chắn sẽ tự khai tử khỏi thị trường. Nếu không muốn thị trường đào thải, doanh nghiệp buộc phải tự chuyên nghiệp hóa bản thân.”

Trở lại
Messenger
Email
0988130095