Thời gian gần đây, các ngân hàng có động thái mới là tăng lãi suất cho vay và giảm điều kiện ưu đãi đối với những khoản vay liên quan đến bất động sản.
Chị Thu Trang (Tp.HCM) đến một chi nhánh Vietcombank tìm hiểu để vay 1,5 tỷ đồng mua đất. Nhân viên tại đây cho hay, lãi suất ưu đãi là 7,7%/năm nếu chọn vay cố định trong 12 tháng đầu; còn nếu vay cố định 24 tháng, lãi suất là 8,7%/năm.
Hết thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ tính bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 24 tháng cộng thêm biên độ 3,5%/năm (theo mức tính hiện nay là khoảng 10,5%/năm).
Chị Trang cho biết, nhân viên khuyên chị nên vay sớm vì để lâu, điều kiện vay khó hơn và lãi suất cũng có thể tăng. Theo lời giải thích của nhân viên này, bất động sản trong thời gian qua tăng nóng, rủi ro cao mà dư địa cho vay lại hạn chế.
Mức lãi suất cho vay mua đất, xây mới, sửa chữa nhà của một số ngân hàng cổ phần khác hiện cũng ở mức khá cao. Chẳng hạn như ACB, tùy từng đối tượng khách hàng, mức lãi suất dao động trong khoảng 8,5-10%. Những khách hàng mua nhà để ở và có tài khoản lương tại nhà băng này được áp dụng mức lãi suất thấp hơn đôi chút. Tại OCB, lãi suất cho vay bất động sản thông thường là 8,99% trong 12 tháng đầu, sau đó là khoảng 11,5%.
Thậm chí, có ngân hàng cho biết, nếu khách hàng vay trung hạn thì mức lãi suất cho vay lên đến 12%/năm. Nếu vay dài hạn, lãi suất lên đến 12,5%/năm vào thời điểm giải ngân. So với vài tháng trước đó, lãi suất cho vay mua, xây, sửa nhà tại các ngân hàng cổ phần đã tăng 1-2%/năm.
Theo một lãnh đạo Vietcombank, bất động sản một số nơi trong thời gian qua tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra bong bóng, đặc biệt là bất động sản cao cấp. Việc giới hạn tín dụng bất động sản là hợp lý và cần thiết với ngân hàng.Ngoài ra, do thời gian vừa rồi, giá đất tại một số khu vực tăng chóng mặt, các ngân hàng đã thẩm định lại giá và thay vì cho vay tối đa 80%, thậm chí 90% giá trị như trước thì nay các ngân hàng chỉ cho vay tối đa 70%. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tìm hiểu, tính toán chặt chẽ nguồn trả nợ của khách.
Vị này cũng cho rằng, Thông tư 36 được NHNN sửa đổi theo hướng siết chặt tín dụng vào bất động sản có hai điều khoản tác động nhiều nhất là tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 60% xuống còn 40%. Điều này sẽ giới hạn lại nguồn vốn cho vay bất động sản.
Khi hệ số rủi ro với các khoản vay bất động sản tăng từ 150% lên 250%, ngân hàng không còn nhiều vốn để cho vay bất động sản như trước vì phải duy trì nguồn vốn tối thiểu cao.
Cũng theo lãnh đạo NHNN chi nhánh Tp.HCM, nhiều ngân hàng đang siết cho vay đầu tư tại những khu vực xảy ra sốt đất như quận 9, Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn….
Vị này cho hay, trong tổng dư nợ cho vay trên địa bàn, hiện cho vay bất động sản chiếm khoảng 11%. Tính đến cuối năm 2017, dư nợ ở Tp.HCM vào khoảng 1,75 triệu tỷ đồng thì cho vay bất động sản đã vào khoảng 192.500 tỷ đồng, đó là chưa tính khoản cho vay mua bất động sản “ẩn” trong cho vay tiêu dùng cá nhân.
Tại Tp.HCM, dư nợ cho vay tiêu dùng hiện vào khoảng 220.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 28,7% là cho vay liên quan đến bất động sản (khoảng hơn 63.100 tỷ đồng). Như vậy, tổng vốn vào bất động sản trên địa bàn Tp.HCM ước khoảng hơn 255.600 tỷ đồng. So với một năm trước đây, nếu xét về con số tuyệt đối, vốn vào bất động sản tại thành phố đã tăng hơn 15.000 tỷ đồng.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam từng đánh giá, các ngân hàng muốn phát triển bền vững thì cần đẩy mạnh mảng dịch vụ, thay vì chỉ tập trung vào tín dụng như hiện nay. Ông cũng cho rằng, các ngân hàng cần lưu ý đến dòng vốn tín dụng đổ vào những kênh chứa nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán và BOT.