Bộ Tài chính vừa gửi Bộ Xây dựng công văn về tình hình tài chính và hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp).

Cụ thể cho thấy, theo Bộ Tài Chính, kết quả kinh doanh của Hancorp chưa cao khi lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ là 7,4%, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản chỉ đạt 1,95%.

Hancorp chủ yếu đầu tư vào những công ty con, liên kết thuộc ngành nghề kinh doanh chính của đơn vị này mà không đầu tư vào những lĩnh vực nhiều rủi ro như chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm… Hancorp đã đầu tư 176 tỷ đồng vào 6 công ty con. Trong đó có 2 công ty thua lỗ. Bên cạnh đó, những công ty có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu cũng rất cao như: Công ty TNHH Một thành viên Hantech (hơn 7 lần), Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà và Xây dựng Tây Hồ (hơn 7 lần) và Công ty CP Đầu tư Xây dựng số 1 Hà Nội (hơn 11 lần).

Trong 20 công ty liên kết mà Hancorp đầu tư gần 700 tỷ có rất nhiều công ty có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao như: Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bất động sản Lanmark (hơn 13 lần), Công ty CP Hancorp 2 (42 lần).

Đến cuối năm, 238 tỷ đồng là tổng số dư trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính của Hancorp. Vì thế, theo nhận định của Bộ Tài chính, Hancorp đầu tư ngoài doanh nghiệp không hiệu quả, tỷ suất cổ tức trên vốn đầu tư chỉ chưa đến 3%. Hơn nữa, phần lớn vốn đầu tư lại là đầu tư dài hạn và tập trung tại những công ty liên kết mà Hancorp không có quyền chi phối, dễ bị mất vốn.

Thêm vào đó, Hancorp còn có hơn 3.300 tỷ đồng số nợ phải thu, số tiền này gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu.

Bộ Tài chính nhận định: “Mặc dù khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của tổng công ty được đảm bảo nhưng nợ phải thu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản và hệ số khả năng thanh toán tức thời thấp. Điều này cho thấy Tổng công ty sẽ gặp khó khăn trong thanh toán nợ đến hạn trong trường hợp chủ đầu tư chậm thanh toán hoặc tình hình sản xuất kinh doanh không thuận lợi”.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng tiến hành chỉ đạo rà soát và đánh giá lại những khoản đầu tư ngoài doanh nghiệp của Hancorp. Cùng với đó, đưa ra biện pháp thoái vốn với những khoản đầu tư không hiệu quả. Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Xây dựng cần có biện pháp thu hồi số nợ quá hạn phải thu để tránh bị chiếm dụng vốn và gây thất thoát. Đồng thời, Bộ Xây dựng phải đẩy nhanh việc thoái vốn Nhà nước tại Hancorp.

Văn bản của Bộ Tài chính nhấn mạnh: “Đề nghị Bộ Xây dựng tăng cường công tác giám sát doanh nghiệp đối với Tổng công ty Xây dựng Hà Nội và chịu trách nhiệm về các nội dung giám sát được phân cấp theo quy định”.

Hancorp là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về thi công xây lắp và đầu tư nhà ở, khu đô thị mới, hạ tầng. Đơn vị này là chủ đầu tư dự án Ngoại giao đoàn và đã thi công nhiều công trình lớn như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, bảo tàng Hồ Chí Minh, phòng họp chính Nhà Quốc hội mới…

Quay lại
Messenger
Email
0988130095