Công văn số 106/CV-HoREA dự báo thị trường bất động sản và xem xét các kiến nghị liên quan đến ngành ngân hàng của Hiệp hội bất động sản Tp.HCM vừa được Ngân hàng Nhà nước trả lời tại công văn số 667/NHNN-TD.
Trước đó, trong công văn số 106/CV-HoREA, HoREA đã kiến nghị cho phép các trường hợp nhận nhà gói 30.000 tỷ đồng từ ngày 1/1 trở đi được tiếp tục giải ngân đến hết hợp đồng. Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước trả lời: các khoản giải ngân từ ngày 1/1 sẽ được giải ngân từ nguồn vốn của ngân hàng thương mại với mức lãi suất theo thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, Thông tư 25/2016/TT-NHNN quy định rõ hộ gia đình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; mua, thuê nhà ở thương mại; xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa lại nhà ở của mình thì thời gian giải ngân của các ngân hàng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước để cho vay, hỗ trợ nhà ở được thực hiện tối đa đến hết ngày 31/12/2016.
Đến thời điểm trên (31/12/2016|), gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã giải ngân được 29.679 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, đạt 95% số tiền cam kết cho vay.
Báo cáo của các ngân hàng cho thấy, số tiền chưa giải ngân hết so với số cam kết cho vay là do khách hàng không còn nhu cầu giải ngân toàn bộ số tiền trên hợp đồng tín dụng, đã bố trí được một phần từ nguồn khác hoặc dự án bị chậm tiến độ.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, về cơ chế tiếp nối để hỗ trợ tín dụng cho đối tượng chính sách để mua nhà ở xã hội, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các văn bản hướng dẫn về cho vay vốn ưu đãi đối với nhà ở xã hội.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 13/1/2017 phê duyệt mức lãi suất cho vay ưu đãi tại tổ chức tín dụng đối với khách hàng mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở áp dụng trong năm 2016, 2017.
Phía Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã ban hành các văn bản về quy định, quy trình nghiệp vụ, lãi suất cho vay, lãi suất tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn nhà ở xã hội tại Ngân hang Chính sách Xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thì được Chính phủ giao bố trí nguồn ngân sách để cấp nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay nhà ở xã hội; đồng thời cấp bù chênh lệch lãi suất cho các tổ chức tín dụng được chỉ định và Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Trả lời về đề nghị có cơ chế tính lãi suất cho vay hàng năm trong thời hạn khoảng 15-20 năm cho người mua căn nhà đầu tiên thuộc loại căn hộ vừa túi tiền, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đối với các khoản vay thuộc các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất về nhà ở theo chỉ đạo của Chính phủ, lãi suất cho vay được thực hiện theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Còn với các khoản vay theo cơ chế thương mại thông thường thì các tổ chức tín dụng thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng vay vốn.
Về kiến nghị có cơ chế tạo nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường bất động sản của HoRea, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có cơ chế này khi cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. Nguồn vốn này chủ yếu huy động từ tiền gửi ngân hàng của nhân dân.
Văn phòng Chính phủ đã có thông báo giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, hình thành một số định chế tài chính như quỹ tiết kiệm, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tín thác bất động sản…
Về vấn đề bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015 bao gồm quy định về việc bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện, khó khăn vướng mắc của tổ chức tín dụng.