Đầu tư lướt sóng nhà đất với việc hy vọng tạo ra những thương vụ đổi đời không còn là điều dễ dàng trong năm 2020. Vì giá bất động sản sẽ khó tăng mạnh chỉ trong thời gian ngắn.

Giá BĐS khó tăng mạnh trong thời gian ngắn

Từ khảo sát về các kênh đầu tư (vàng, USD, gửi tiết kiệm, chứng khoán, bất động sản, tiền mặt) của Vnexpress, bất động sản là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn nhất vào thời điểm hiện tại (chiếm 29%), sau đó là gửi tiết kiệm. 

Đối với nhiều nhà đầu tư, bất động sản vẫn được coi là kênh đầu tư an toàn và mang lại lợi nhuận cao. Tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2020, giá rao bán chung cư trung bình tại TP.HCM tăng trưởng 10,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng ở mức cao cũng chỉ khoảng 8%/năm.

Trước đây, trong giai đoạn thị trường bùng nổ 2017-2018, nhà đầu tư lướt sóng dễ dàng “đánh đâu thắng đó” thì từ giữa năm 2019 đến nay, không ít nhà đầu tư đã bị chôn vốn, thậm chí thua lỗ nặng.

Hiện tại, đại dịch Covid-19 được nhiều chuyên gia đánh giá là cơ hội để các nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể gom được hàng giá hời. Tuy nhiên, thay vì lướt sóng, đây được xem là thời điểm thích hợp để tích trữ và đầu tư dài hạn.

“Hiện nay, khái niệm đầu tư ngắn hạn hoặc lướt sóng từ 3-6 tháng hoặc 6-12 tháng đã không còn”, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Việt An Hòa khẳng định.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, giá bất động sản khó có thể tăng mạnh trong thời gian ngắn. Nếu muốn đầu tư bất động sản tại những khu vực lân cận TP.HCM như xu hướng trong năm vừa qua, nhà đầu tư cần xác định được đây là khoản đầu tư dài hạn 3-5 năm và cần tìm hiểu kỹ về quy hoạch, pháp lý, triển vọng tăng giá…

Chiêu trò giăng bẫy, bán tháo

Nhiều người mua nhà đất thực và các nhà đầu tư có sẵn dòng tiền vẫn trông ngóng một đợt giảm giá để tìm mua bất động sản giá hời. Sự tĩnh lặng của thị trường cộng thêm tác động của dịch bệnh đã khiến một số người đành phải bán tháo hàng để thu tiền về. Tuy nhiên, hiện tượng này không phổ biến mà chỉ diễn ra cục bộ.

Sự ảnh hưởng của dịch bệnh đến thị trường bất động sản hiện nay chỉ là sự sụt giảm về nguồn cung, lượng giao dịch cũng như tỷ lệ hấp thụ. Những chỉ số này đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết. Về giá bán, ông Đính cho hay thị trường không hề có hiện tượng giảm giá so với quý 4/2019.

Tình trạng bán tháo, bán cắt lỗ chủ yếu xảy ra ở những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cao và đầu tư ngắn hạn, lướt sóng. Do cần thu hồi dòng vốn nên những nhà đầu tư này buộc phải giảm giá 2-3% so với giá thị trường. Do đó, trong quý 1, cơ hội săn nhà đất bán giá rẻ do ảnh hưởng của dịch bệnh là không nhiều.

Ngoài ra, nhiều tin đăng rao bán cắt lỗ bất động sản do ảnh hưởng của dịch bệnh còn là chiêu trò câu khách của môi giới. Người mua cần tỉnh táo và tìm hiểu kỹ thông tin.

Anh Nguyễn Văn Thịnh tại quận Thủ Đức cho biết, anh tìm hiểu mua nhà từ giữa năm 2019, qua Tết Nguyên đán vì dịch bệnh nên anh chưa vội vàng đi xem nhà và cũng để nghe ngóng thêm tình hình, hy vọng giá chung cư sẽ giảm. “Tôi thường xuyên đọc nhiều thông tin thị trường trên báo chí và xem tin rao bán trên các website về bất động sản nhưng không hề thấy hiện tượng giảm giá. Cuối tháng 3, tôi thấy xuất hiện nhiều tin bán cắt lỗ. Tôi chọn được một căn hộ ưng ý 2 phòng ngủ diện tích 53m2 tại quận 7, hơn nữa còn đang được giảm giá còn 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó, google gợi ý hàng loạt tin rao tương tự, trong đó có chính căn hộ tôi đang xem nhưng giá bán trước đó không hề cao hơn”, anh Thịnh nói.

Quay lại
Messenger
Email
0988130095