Nhìn vào những ưu thế của thị trường như tốc độ đô thị hóa, tăng trưởng giá trị đất, trong 10 năm tới, bất động sản vẫn là gợi ý đầu tiên cho những ai đang băn khoăn đầu tư vào gì để sinh lời?
Đầu tư gì để sinh lời?
Tại Hội nghị bất động sản Việt Nam 2020 (VRES 2020), ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn CN Hồ Chí Minh nhận định, trong 10 năm tới, bất động sản vẫn sẽ là kênh đầu tư sinh lời bền vững.
Ông Tuấn phân tích, 1 thập kỷ qua, Việt Nam luôn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc. GDP bình quân đầu người đạt 2.750 USD/năm, tăng 129%, FDI đạt 26 tỷ USD, tăng 51%, xuất nhập khẩu lần lượt tăng 235% và 168% so với 1 thập kỷ trước đó. Là quốc gia đang trên đà tăng trưởng, kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong thập kỷ tiếp theo nhờ làn sóng đầu tư quốc tế liên tục đổ về. Nhu cầu nhà ở, du lịch giải trí và nghỉ dưỡng sẽ gia tăng cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều tầng lớp trung lưu và người giàu. Thị trường bất động sản Việt Nam đang có dư địa phát triển lớn.
Một yếu tố bổ trợ lớn cho thị trường nhà đất chính là sự tăng trưởng kinh tế kéo theo quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh và mạnh. Trong 10 năm vừa qua, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam từ mức 30% năm 2009 lên mức 35% năm 2019. Dự báo trong năm 2030 có thể đạt mức tăng trưởng 40%. Năm 2019 Việt Nam có 3 thành phố có số dân từ 4-5 triệu người, dự kiến năm 2030 TP.HCM sẽ có hơn 10 triệu dân, kéo nhu cầu nhà ở càng tăng mạnh.
Ngoài các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội vẫn luôn duy trì tốc độ tăng trưởng dân cư từ 48-80%, thì tại các tỉnh thành khác, tỷ lệ đô thị hóa cũng rất nhanh qua các năm. Bình Dương, nếu 10 năm trước tỷ lệ dân cư đô thị tại đây chỉ đạt 30% thì năm 2019 mức tăng trưởng là 80%; Đồng Nai từ mức tăng 33% năm 2009 cũng chuyển dịch lên mức 44%; Thừa Thiên Huế từng có tốc độ đô thị khoảng 36% năm 2009 hiện đã đạt tốc độ gần 50% và Bắc Ninh cũng từ mức 24% tăng lên gần 28%.
Nhu cầu nhà ở tại các đô thị lớn liên tục tăng mạnh. Tính riêng trong 1 thập kỷ qua, tổng diện tích xây dựng nhà tại Việt Nam tăng trưởng ấn tượng 19%, từ mức 22,6 triệu hộ gia đình đã tăng lên mức 26,7 triệu hộ trong năm 2019. Diện tích nhà ở riêng lẻ tăng 41%, từ mức 1,5 tỷ m2 năm 2010 tăng lên mức 2,1 tỷ m2. Riêng với loại hình nhà chung cư, từ mức 17 triệu m2 sàn năm 2010 lên mức 41 triệu m2 sàn, tăng gần 142% chỉ sau 10 năm.
Tuy tăng trưởng ấn tượng trong 10 năm qua nhưng nếu so với các quốc gia trong khu vực, song tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vẫn rất thấp. “Hiện nay Hàn Quốc có tốc độ đô thị hóa 80%, Malaysia 77%, Trung Quốc 60%, Thái Lan và Philipine là 51% và 47%, con số 35% của Việt Nam cho thấy khả năng đô thị hóa còn nhiều dư địa trong 10 năm tới. Với tốc độ tăng trưởng hạ tầng, mở rộng kết nối và phát triển đô thị hiện nay, vào năm 2030 Việt Nam sẽ có ít nhất 3 thành phố có tỷ lệ dân số từ 1 – 5 triệu dân, 6 tỉnh thành có 0,5 – 1 triệu dân. Nhu cầu nhà ở sẽ tăng cao ở các tỉnh thành, đặc biệt là ở những khu vực giáp ranh TP.HCM và Hà Nội”, ông Tuấn nhận định.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho rằng, căn hộ chung cư sẽ vẫn là loại hình nhà ở phát triển chủ đạo của thị trường trong 10 năm tới. Thực tế, số lượng hộ gia đình chọn mua căn hộ chung cư tại các đô thị lớn trên cả nước tăng gần 1,6 lần so với 1 thập kỷ trước. Nếu năm 2009 chỉ có khoảng 3,7% dân số chọn ở nhà chung cư thì đến 2019 con số này đã tăng lên 5,8%. Riêng ở những đô thị lớn như TP.HCM, tỷ lệ hộ gia đình ở chung cư tăng 67%, Hà Nội tăng 53%, Đà Nẵng tăng 56% sau 10 năm. Riêng Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu có sự chuyển biến lớn từ nhà phố sang chung cư khi mà lượng người chọn mua chung cư sinh sống tăng lần lượt 567% và 683% so với 1 thập kỷ trước.